🎄 TinhYeuCongGiao.Com 🎄
•••MXH Giới Trẻ Công Giáo Việt Nam•••
Home · Online: · Nghe nhạc · Nhà Thờ · Video · Huynh Trưởng Giêsu · Giáo lý hôn nhân · Tâm lý tình yêu · Cửa hàng · Đăng Nhập · Đăng Ký

NGƯỜI ĐỠ ĐẦU CÔNG GIÁO CÓ TRÁCH NHIỆM GÌ?

NGƯỜI ĐỠ ĐẦU CÔNG GIÁO CÓ TRÁCH NHIỆM GÌ?
1. Về Giáo luật
Theo điều 874, khoản 1, người đỡ đầu phải đủ các điều kiện:
1- Do chính người sắp được Rửa tội chọn, hoặc do cha mẹ hay những người thay quyền cha mẹ chọn, hoặc nếu thiếu những người ấy, thì do cha sở hay do thừa tác viên chọn, và phải có khả năng và ý muốn đảm nhận nhiệm vụ này.
2 - Đủ mười sáu tuổi trọn (đã qua sinh nhật 16 tuổi).
3 - Là người Công giáo đã lãnh nhận bí tích Thêm sức và bí tích Thánh thể, và phải có đời sống xứng hợp với đời sống đức tin và nhiệm vụ phải đảm nhận.
4 - Không mắc một hình phạt của giáo luật đã được tuyên kết hay tuyên bố cách hợp pháp.
5 - Không là cha hoặc mẹ của người được Rửa tội.
2. Về nhiệm vụ chính
- Yêu thương con đỡ đầu như con ruột. Trong trường hợp đặc biệt thì cưới luôn cũng được nhé 😊
- Đồng hành cùng con trong đời sống Đức tin. Những khó khăn trong cuộc sống và đặc biệt về tâm linh có thể chia sẻ với người đỡ đầu sẽ thấy được an ủi và có nhiều ánh sáng hơn.
- Về mặt thời gian:
+ Trước lễ Rửa tội: Hướng dẫn các bước trong nghi thức gia nhập Kitô giáo; giới thiệu dự tòng, đưa vào sinh hoạt của Giáo xứ, chuẩn bị kỹ về mặt Đức tin trước khi lãnh Bí tích.
+ Lễ Rửa tội: Cha (mẹ) đỡ đầu nên đến tận nhà con mình để chuẩn bị cho con rồi cùng với con và mọi người trong gia đình đến nhà thờ. Mừng lễ Rửa tội, bạn hữu của dự tòng tặng sách vở, ảnh, chuỗi, còn cha mẹ đỡ đầu nên tặng chiếc áo trắng (hay khăn voan trắng) sẽ trao trong nghi thức. Thông thường bộ nến áo này có bán ở Nhà sách Giáo xứ với giá chừng 20-30k.
+ Sau lễ Rửa tội: Những tuần sau lễ Rửa tội, người đỡ đầu cần thăm hỏi nhắc nhở con về việc cầu nguyện sáng tối, đi lễ (có thể đồng hành), nhất là giúp xưng tội lần đầu.
+ Giúp xưng tội lần đầu: Giúp con hiểu rằng đến xưng tội không chỉ để được tha tội, được thanh luyện nhưng còn là để bày tỏ tình yêu với Chúa.
- Hướng nên thánh: Thường thì người con đỡ đầu lấy tên thánh theo tên thánh của người đỡ đầu, nhưng không bắt buộc, ngoài ra ở vùng truyền giáo thiếu người, có thể nam đỡ đầu nữ, nữ đỡ đầu nam, không bắt buộc phải cùng giới. Dù vậy khi gần đến lễ bổn mạng của con, cha mẹ đỡ đầu cần nhắc con dọn mình mừng lễ, chia sẻ gương sáng và kinh nghiệm thiêng liêng của thánh Bổn mạng cũng như nên dự lễ cùng nhau. Ngày kỷ niệm lễ Rửa tội cũng nên thế. Ngoài ra cần nhắc nhở các ngày lễ, việc giữ chay, xưng tội trong mùa Vọng và mùa Chay, rước lễ trong mùa Phục Sinh, quan tâm đến cuộc sống hôn nhân và hạnh phúc gia đình của con đỡ đầu, lắng nghe để biết những khó khăn của họ và an ủi, cảm thông, chia sẻ kinh nghiệm và nhắc nhở khi cần thiết,…
- Giới thiệu và hướng dẫn con tập làm việc tông đồ: Chia sẻ (tặng sách, băng đĩa nhạc đạo, phim đạo) cho người nhà và họ hàng, thăm viếng bệnh nhân,…
- Trong cuộc hành Đức tin: Mỗi khi gặp, nên dừng lại trao đổi vài câu; thường xuyên gọi điện hỏi han, gặp gỡ ở khuôn viên nhà thờ sau thánh lễ và khi có thể được nên lui tới thăm nom. Tránh trường hợp: “Ta chẳng biết người ấy là ai” 😊
3. Những điều nên tránh
- Tránh hùn vốn làm ăn với con đỡ đầu. Tiền bạc phân minh, ái tình dứt khoát, trong chuyện làm ăn ba mẹ ruột còn dễ bất hòa với con cái nói chi cha mẹ đỡ đầu, lúc đó chẳng còn gọi là “thiêng liêng” nữa đâu!
- Nếu con đỡ đầu gặp khó khăn về tài chính, có thể cho được phần nào thì cho đứt, tuyệt đối không cho vay hay cho mượn. Chuyện gì ra chuyện ấy!
- Tránh xen vào chuyện gia đình của con khi nó không chia sẻ với mình.
- Không chê bai chồng/vợ, con cái của con thiêng liêng hay người yêu của nó, kẻo lúc đó chẳng còn tôn ti trật tự gì nữa đâu.
4. Bổn phận của con đỡ đầu
- Ờ thì con thiêng liêng thường đòi hỏi ở cha mẹ đỡ đầu đủ thứ, ví như phải cho kẹo khi thèm, cho ăn khi đói, tặng quà lúc Rửa tội, lì xì vào dịp tết, bao ăn ngày lễ Bổn mạng,… nhõng nhẽo đủ thứ và còn hỏi xem nếu cha mẹ đỡ đầu không quan tâm đến mình thì có mắc tội không, ấy vậy thì tân tòng cũng phải có nghĩa vụ với cha mẹ đỡ đầu chứ? Cái này khiến mình nhớ có bạn hỏi: “Làm sao tìm được vợ hiền lành, chịu thương chịu khó như Đức Mẹ nhỉ”, câu trả lời đơn giản: “Bạn hãy như Thánh Cả Giuse trước đã nhé”.
- Để cha mẹ đỡ đầu hoàn thành “nhiệm vụ”, con đỡ đầu cũng phải có bổn phận hiếu thảo. Khi các vị còn sống, thường xuyên cầu nguyện, gọi điện hỏi thăm, hỏi ý và đến thăm khi có dịp. Khi các vị đã qua đời, nhớ xin lễ cầu nguyện.
- Con đỡ đầu cũng phải ghi nhớ rằng, cha mẹ đỡ đầu có thể có nhiều con thiêng liêng, nên hãy bỏ qua những thiếu sót cũng như không ghen tương với các “con” khác của họ. Đây có lẽ là một lý do nên chọn người đỡ đầu lớn tuổi hơn con nhiều nhiều một chút, tránh kiểu con thiêng liêng đè đầu cưỡi cổ cha mẹ luôn
Chuyên Mục
Lời tâm tình

Website Tình Yêu Công Giáo là một dự án cộng đồng phi lợi nhuận ra đời với xứ mệnh cung cấp thông tin, kết nối cho mọi tín hữu công giáo. Do chúng con, với sức người có hạn. Vì vậy, chúng con rất mong được sự chung tay góp sức của mọi người cùng xây dựng Tình Yêu Công Giáo